Thị trường thép 2017 sẽ theo kịch bản nào?

Thị trường thép 2017 sẽ theo kịch bản nào?

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa giả định một vài kịch bản đối với thị trường thép năm 2017 có thể tham khảo. Trong đó, dự báo sản lượng tiêu thụ thép tiếp tục tăng dựa vào nhu cầu từ dân dụng và đầu tư công.

Thị trường xây dựng tiếp tục sôi động tại cả 2 phân khúc xây dựng dân dụng và xây dựng công kéo theo thị trường thép cũng thêm phần khởi sắc.

Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa cao trong khu vực dẫn tới nhu cầu đầu tư xây dựng dân dụng vẫn đang duy trì ở mức cao. Thêm vào đó, chu kỳ đầu tư công quay trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với thép xây dựng. Vì vậy mà báo cáo từ quy hoạch Bộ Công thương, tới năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 15 triệu tấn thép xây dựng, tương đương nhu cầu tăng trưởng kép khoảng 15% – 20%/năm.

Giá thép được dự báo tăng trở lại với hiệu ứng phân hóa. Giá bán tăng không phải bởi nhu cầu tăng nhanh hơn nguồn cung, mà chủ yếu đến từ chi phí sản xuất tăng lên theo giá nguyên liệu. Giá quặng sắt và than cốc được kỳ vọng giảm trở lại khi nguồn cung hồi phục. Giá thép phế được dự báo tăng do ảnh hưởng tăng của giá quặng sắt trong năm nay. Theo đó, mặt bằng giá thép có thể lên tới 10,8 triệu đồng/tấn.

Mặt bằng giá thép có thể lên tới 10,8 triệu đồng/tấn.

Mặt bằng giá thép có thể lên tới 10,8 triệu đồng/tấn.

 

Do vậy, những doanh nghiệp lò cao có chi phí sản xuất rẻ sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường thép với biên lợi nhuận ròng xấp xỉ 10%. Trong khi đó, dự báo doanh nghiệp lò điện sẽ hoạt động quanh điểm hòa vốn. Bên cạnh đó, việc giá thép tăng trong đầu năm sẽ dẫn tới nhu cầu đầu cơ của các đại lý, kéo theo sản lượng tiêu thụ tăng trong cuối năm nay và đầu năm 2017.

Hiệp hội thép Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục áp thuế đối với sản phẩm thép cuộn mã HS 7213.91.90. Trong kịch bản tích cực nhất khi thuế tự vệ mới được ban hành, VCBS cho rằng hiệu quả thực sự từ việc ban hành quyết định áp thuế tự vệ mới đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ không quá mạnh mẽ bởi quy mô các sản phẩm thép cuộn còn lại là khá thấp. Tuy nhiên, việc áp thuế sẽ đem lại hiệu ứng tâm lý tích cực hơn cho nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngành, đồng thời hỗ trợ cho đà tăng của giá thép xây dựng.

Mặt khác, giai đoạn 1 của Formosa dự kiến sẽ bắt đầu vận hành cuối năm 2016 và đầu năm 2017 với lò cao dung tích hơn 4.000 m3 có ưu thế quy mô cao và chi phí sản xuất thấp nhất cả nước khi đi vào vận hành. Sản phẩm của giai đoạn 1 bao gồm nguyên liệu bán thành phẩm bao gồm cuộn cán nóng HRC và phôi thép, tạm thời chưa sản xuất thép xây dựng trong năm 2017.

Mặc dù rủi ro từ việc thép Formosa cạnh tranh tực tiếp với sản phẩm nội địa là chưa hiện hữu, song nếu Formosa bán phôi thép ra thị trường nội địa, các doanh nghiệp lò điện sẽ được hưởng lợi nhờ việc có thêm nguồn phôi giá rẻ không phải chịu thuế nhập khẩu, và nâng cao sức cạnh tranh với doanh nghiệp lò cao.

Thị trường mảng ống thép khá hấp dẫn, song quy mô còn khá nhỏ

Tăng trưởng của ống thép sẽ cao hơn thép xây dựng bởi tính chất là hàng hóa đi kèm, ống thép sẽ tăng trưởng cùng thép xây dựng. Thêm vào đó, thị trường ống thép cũng sẽ ăn theo cùng nhu cầu tăng thêm từ các ngành nội thất. Đặc biệt, dự kiến có một lượng lớn các công trình xây dựng bùng nổ trong những năm 2014-2015 bắt đầu đi vào hoàn thiện trong năm 2016-2017.

Hiện tại, doanh nghiệp tôn mạ nội địa đang tìm cách mở rộng thị trường khai thác tiềm năng xây dựng nội địa. Nhu cầu nhà ở đang mở rộng, dân số tăng nhanh và tỷ lệ phát triển đô thị hóa ở mức cao tạo ra nhu cầu khá lớn đối với sản phẩm tôn.

Thêm vào đó, cộng hưởng từ quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép mạ (1/9/2016 bởi Bộ Công thương) sẽ tạo ra rào cản đối với sản phẩm từ Trung Quốc. Diễn biến này sẽ tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp nội địa tăng thị phần và sản lượng tiêu thụ trong nước. Trong đó, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng từ 4,02% đến 38,34%.

Thị trường mới khai mở tại Mỹ đang gặp khó khăn do chính sách phòng vệ thương mại là khá lớn. Điều này gây ảnh hưởng trên cạnh tranh xuất khẩu và gián tiếp làm tăng nguồn cung nội địa. Trong trường hợp xấu nhất, khi Mỹ đi tới kết luận sẽ áp thuế chống bán phá giá với tôn Việt Nam, tác động trực tiếp sẽ không quá lớn đối với 2 doanh nghiệp tôn niêm yết là Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) và Thép Nam Kim (mã NKG) bởi thị trường chính của 2 doanh nghiệp này là Indonesia và Malaysia.

Tuy nhiên, tác động gián tiếp của việc áp thuế đó là mức độ cạnh tranh tại các thị trường truyền thống sẽ lớn dần khi ngay trong khối ASEAN.

Một vài doanh nghiệp FDI nội địa đang xuất khẩu sẽ buộc phải quay lại thị trường Việt Nam khiến nguồn cung nội địa tăng cao. Theo đó, ngành tôn năm 2017 sẽ tăng cường cạnh tranh mở rộng thị trường nội địa, sản lượng xuất khẩu tăng trưởng chậm lại so với năm 2016.

Nguồn: reatimes.vn

ĐỂ LẠI PHẢN HỒI